Tại Hội nghị đ/c Đàm Thị Vân Thoa phát biểu khai mạc. Đồng chí tiếp tục xác định Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII nhiệm kỳ 2022-2027 đề ra các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có nhiệm vụ: “Tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; chú trọng giám sát, phản biện xã hội; vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới”. Để thực hành dân chủ, các cấp hội trên cả nước đã tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát huy quyền làm chủ, thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; vận động phụ nữ chủ động tham gia hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương; tham gia có trách nhiệm các hoạt động đối thoại, giám sát, phản biện xã hội, góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.
Kết quả, thực hiện công tác chính sách - luật pháp và đối thoại chính sách cấp xã, cụm thôn bản từ đầu nhiệm kỳ đến nay cho thấy: Hầu hết các tỉnh, thành đều chủ trì giám sát ít nhất 1 chính sách với nội dung, hình thức giám sát đa dạng, linh hoạt. Trong đó, Sóc Trăng từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã chủ trì giám sát 16 cuộc giám sát xoay quanh các nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em như: Công tác bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình được quy định trong Luật phòng, chống bạo lực gia đình của UBND và các ngành chức năng liên quan; Công tác chỉ đạo, tổ chức việc thực hiện chính sách cho cán bộ, công chức, người lao động nữ khi nuôi con dưới 36 tháng tuổi (bao gồm quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, luân chuyển, phân công công việc...), được quy định trong Bộ Luật Lao động và những văn bản liên quan”,…
Tại Hội nghị, lãnh đạo Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng cùng với các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức thực hiện công tác đối thoại chính sách cấp xã cụm thôn bản. Trong đó tập trung chỉ ra và phân tích một số khó khăn như: sự phối hợp của các ngành trong việc nghiên cứu, giải thích các ý kiến, quy định pháp luật có những nội dung thiếu chi tiết, cụ thể; nhận thức của hội viên, phụ nữ vùng đồng bào chưa đồng đều nên việc hiểu vấn đề để trao đổi ý kiến, lắng nghe các ý kiến giải thích có phần hạn chế, chưa mạnh dạn đề xuất, kiến nghị những vấn đề liên quan đến những nội dung mình mong muốn.
Để khắc phục những hạn chế trên, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, đưa ra những giải pháp cụ thể , trong thời gian tới như: Tăng cường sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp tích cực của các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương, đặc biệt là phát huy dân chủ, quyền làm chủ của phụ nữ và Nhân dân trong tham gia giám sát việc tổ chức triển khai, thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật tại địa phương; mỗi cán bộ Hội cơ sở cần nghiên cứu sâu, kỹ các nội dung hướng dẫn để duy trì tham mưu tổ chức thực hiện tốt các cuộc đối thoại với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở từng cấp đối với những vấn đề xã hội liên quan đến lợi ích thiết thân của phụ nữ, tạo sự đồng thuận chung và thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách đã ban hành; thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng nghiên cứu, xác định vấn đề đối thoại cho cán bộ Hội các cấp,...
Phát biểu bế mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Minh Hương nhấn mạnh: Đối thoại chính sách là một trong những nội dung hoạt động của Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, được thực hiện nhằm đảm bảo tiếng nói, vai trò và sự tham gia thực chất của phụ nữ trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội tại cơ sở. Do đó, các tỉnh thành trong thời gian tới cần phát huy hơn nữa tính chủ động, sáng tạo của Hội LHPN cấp huyện và cơ sở trong tổ chức đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn bản phù hợp với điều kiện thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đề ra, phấn đấu đến kết thúc giai đoạn 1 vào năm 2025, cả nước đạt chỉ tiêu 4.400 cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn, bản (đến năm 2024, Sóc Trăng hoàn thành 58 cuộc đối thoại chính sách). Các cấp hội cần chủ động triển khai các văn bản mới được ban hành; nhân rộng mô hình phổ biến pháp luật gắn với tư vấn pháp luật; chủ động hơn trong công tác giải quyết đơn thư, lên tiếng bảo vệ phụ nữ, trẻ em./.