Trước đây, cũng như bao gia đình khác ở địa phương, đời sống gia đình chị còn gặp nhiều khó khăn. Từ hộ nghèo, hộ cận nghèo của địa phương và sau khi vào tổ chức Hội, chị có cơ hội tham gia các lớp tập huấn, học nghề, các buổi truyền thông, chị đã thay đổi trong cách nghĩ và cách làm, chuyển đổi phương thức từ việc trồng lúa không có giá trị kinh tế cao chuyển sang trồng lúa thơm, lúa đặc sản, áp dụng kỹ thuật hạn chế thấp chi phí, thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học,… Ngoài những việc đồng án xong, chị còn tham gia các lớp học nghề do địa phương tổ chức như: lớp trồng nấm bào ngư, lớp chăn nuôi gà để học hỏi và áp dụng thêm nhiều kiến thức, tạo ra thu nhập cho gia đình, chị đã tự tin sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế gia đình.
Chị tâm sự: “Năm 2024, tôi có tham gia lớp trồng nấm bào ngư, khi được hướng dẫn cách thức trồng nấm tôi về thực hiện ngay và đạt kết quả rất tốt. Mỗi 1kg nấm tôi bán dao dộng từ 40.000đ - 50.000đ/kg và thu lợi thuận một tháng khoảng 4.500.000 đồng đã phần nào giúp đỡ chi phí hàng ngày cho gia đình. Ngoài ra, tôi còn có nghề làm bánh gừng, bánh ghế truyền thống của gia đình (loại bánh đặc trưng của người dân tộc Khmer), vào các dịp lễ, tết, cưới hỏi của người dân tộc Khmer (khi có người đặt thì tôi nhận làm) với giá dao động khoảng 1.200.000đ – 1.600.000đ/ bộ trọn gói cúng gia tiên (theo phong tục người dân tộc Khmer)”. Ngoài ra chị còn nuôi thêm gà thả vườn để tạo thêm thu nhập cho gia đình. Bình quân một năm trừ tất cả chi phí chị thu lợi nhuận trên 60 triệu đồng
Hiện nay gia đình chị đã thoát nghèo, nhà cửa khá khang trang, nuôi dạy con cái ăn học thành tài và có công việc ổn định, chị có một người con gái đang là giáo viên trường Tiểu học Lý Thường Kiệt, thành phố Sóc Trăng. Có được thành quả như nay là nhờ sự nỗ lực, chăm chỉ sau bao năm hai vợ chồng cùng cố gắng. Nhiều năm liền, chị được Hội LHPN phường 10, thành phố Sóc Trăng biểu dương, khen thưởng./