Sự kiện lần này có sự tham dự của ông Đỗ Hùng Việt, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Nguyễn Thị Anh Thi, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng, bà Ryce Chanchai, Quản lý khu vực Chương trình về quản trị và Phụ nữ, Hòa bình, An ninh tại ASEAN của UN Women và các đại biểu đến từ các tỉnh, thành trong cả nước. Phía Tổng Lãnh sự quán có Lãnh sự Teramoto tham dự.
Hội thảo về Phương pháp xây dựng Kế hoạch triển khai Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh tại thành phố Đà Nẵng. Việt Nam là một trong những quốc gia ASEAN đi đầu trong việc xây dựng kế hoạch hành động WPS.
Tại phiên tập huấn, các đại biểu đã được nghe giới thiệu các thành tố chính và phương pháp xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình hành độ Quốc gia Phụ nữ, Hòa bình và An ninh (Chương trình); các biện pháp theo dõi và đánh giá việc thực hiện Chương trình; Giới thiệu các công cụ xây dựng ngân sách và huy động nguồn lực. Đồng thời, lắng nghe chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chương trình từ một số nước như: Anh, Canada.
Tại phiên Hội thảo, sau phần khai mạc và công bố Chương trình hành động Quốc gia về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh của Việt Nam, các đại biểu được nghe đại diện Bộ Ngoại giao chia sẻ về xây dựng Kế hoạch triển khai Chương trình cũng như trình bày của UN Women về một số khuyến nghị đối với việc xây dựng Kế hoạch triển Chương trình. Các đại biểu chia nhóm thảo luận dựa trên chức năng, nhiệm vụ và nguồn lực tại địa phương đề xuất phương pháp triển khai thực hiện Chương trình; báo cáo kết quả thảo luận của các nhóm.
Trong đó, lãnh đạo Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng cũng đề xuất một số giải pháp để triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình như: Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ Hội LHPN, cán bộ nữ các cấp; tăng tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, HĐND và giữ các chức danh chủ chốt ở các địa phương, đơn vị; đưa lực lượng cán bộ Hội, cán bộ nữ học tập, chia sẻ kinh nghiệm ở các nước triển khai thực hiện thành công Chương trình; năng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ để tự chủ về tài chính, hạn chế tình trạng phụ thuộc vào nam giới, góp phần phòng chống bạo lực gia đình,…
Được biết, năm 2000, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lần đầu tiên trong lịch sử đã nhất trí thông qua Nghị quyết số 1325 về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh (Women, Peace and Security: WPS), nêu rõ rằng sự tham gia bình đẳng của phụ nữ, bảo vệ khỏi bạo lực tình dục trong xung đột và bình đẳng giới là cần thiết cho hòa bình quốc tế và phòng chống, giải quyết xung đột. Cho đến nay, Nhật Bản đã xây dựng và thực hiện 03 kế hoạch hành động để thực hiện nghị quyết này và các nghị quyết liên quan.
Kết thúc Chương trình tập huấn, Hội thảo về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh, đại diện Bộ Ngoại giao và UN Women đã tiếp thu kết quả thảo luận của các nhóm để đưa vào Kế hoạch triển khai Chương trình hành động Quốc gia về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh của Việt Nam./.