Lớp thứ nhất sẽ tập huấn cho 50 cán bộ hội liên hiệp phụ nữ cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh về nghiệp vụ ủy thác, khả năng quản lý hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách và kiến thức tài chính. Trong 2 ngày, các đại biểu sẽ được đồng chí Trịnh Thị Bích Tuyền và cán bộ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Sóc Trăng truyền tải, quán triệt có trọng tâm, trọng điểm các vấn đề về: Chính sách ưu đãi đối với hộ nghèo cùng các đối tượng chính sách khác; hướng dẫn quy trình, hồ sơ vay vốn theo Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; điều kiện xóa nợ vay; hạn chế, khó khăn thực hiện hoạt động ủy thác.
Lớp thứ hai sẽ tập huấn cho 50 đại biểu là tổ trưởng, tổ phó tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc đơn vị thị xã Vĩnh Châu, huyện Mỹ Xuyên, huyện Trần Đề về nghiệp vụ ủy nhiệm và kiến thức tài chính, kỹ năng quản lý tài chính thông minh. Trong 2 ngày, các đại biểu sẽ được cô Nguyễn Thị Huỳnh Anh - Giảng viên Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh tập huấn về các chủ đề: Tổng quan về tài chính cá nhân; cách thức quản lý tài chính cá nhân; tín dụng và vay nợ; sử dụng thẻ tín dụng; các kênh đầu tư phổ biến hiện nay; lừa đảo tài chính; bảo vệ tài chính cá nhân; xây dựng kế hoạch tài chính.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Phan Thị Xinh Hưởng nhấn mạnh về tầm quan trọng, ý nghĩa và sự cần thiết của hoạt động ủy thác cho vay đối với hộ nghèo, các đối tượng chính sách. Chính vì thế, cán bộ phụ nữ cấp huyện, xã cần phải nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, chất lượng ủy thác; hoạt động của tổ tiết kiệm vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội tại tỉnh Sóc Trăng. Tại lớp tập huấn, các chị em cần mạnh dạn chia sẻ cụ thể khó khăn gì, vướng mắc ở chỗ nào và cần hỗ trợ thế nào để lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh có hướng tháo gỡ. Đề nghị ban chuyên môn Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tiếp tục tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh hội về giải pháp nâng cao kỹ năng, chất lượng công tác tuyên truyền, vận động để các tổ tiết kiệm và vay vốn ở cơ sở thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ…