Tại các đơn vị được giám sát, đoàn được nghe báo cáo kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em trên địa bàn. Theo đó, từ năm 2021 và đến 6 tháng đầu năm 2022, tại 4 đơn vị đã tiếp nhận 97 đơn thư phản ánh, kiến nghị liên quan đến các lĩnh vực đất đai, môi trường, hôn nhân gia đình, bạo lực, xâm hại trẻ em và chính sách an sinh xã hội…(có 24 đơn thư do phụ nữ đứng đơn), kết quả đã giải quyết thành 75 vụ. Trong đó có 07 đơn tố cáo liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em (01 đơn liên quan đến vấn đề hôn nhân gia đình, 01 đơn tố cáo liên quan đến bạo lực gia đình, 01 đơn thư về xâm hại tình dục trẻ em; tiếp nhận thông tin từ tổng đài 111 và ban nhân khóm 04 vụ liên quan đến xâm hại tình dục, bạo hành trẻ em, bạo lực gia đình, dâm ô).
Qua đó, các thành viên đoàn giám sát đã đặt ra nhiều vấn đề cần trao đổi làm rõ thêm xoay quanh báo cáo của địa phương và qua kết quả 1.000 phiếu khảo sát một số ngành liên quan, Bí thư, Phó Bí thư Chi bộ các ấp/khóm, Chi hội trưởng PN và các đoàn thể CT-XH, hội viên, phụ nữ trên địa bàn 4 xã, phường, thị trấn (250 phiếu/đơn vị) về vấn đề giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh tại các địa phương như: thông tin làm rõ thêm các vụ việc; quy trình xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh; công tác can thiệp, hỗ trợ nạn nhân; những giải pháp, mô hình cụ thể trong công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; hoạt động của mô hình “Địa chỉ tin cậy” tại cộng đồng; công tác phối hợp giữa các ban ngành, đoàn thể trong việc tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố táo, phản ánh; công tác tham mưu, thực hiện hỗ trợ các chính sách cho các nạn nhân,…Ngoài ra, đoàn giám sát cũng đề nghị địa phương trước những vấn đề khó khăn, vướng mắc cần có những giải pháp, kiến nghị, đề xuất giải quyết kịp thời tránh để tình trạng đơn thư, phản ánh vượt cấp, nhất là đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em.
Qua các ý kiến của các thành viên đoàn giám sát, lãnh đạo địa phương và thành viên các đơn vị được giám sát cũng có những ý kiến phát biểu giải trình làm rõ thêm những vấn đề đoàn giám sát đặt ra, đồng thời cũng chia sẻ thêm những khó khăn, bất cập trong quá trình thụ lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh trong thời gian qua, nhất là có một số trường hợp kéo dài vì ngành chức năng cần có thời gian xác minh, làm rõ thêm các tình tiết và do có nhiều vụ việc xâm hại trẻ em xảy ra quá lâu, người dân mới đi tố cáo nên gây khó khăn trong việc điều tra, thu thập chứng cứ.
Đồng chí Nguyễn Thị Diện - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh - Trưởng đoàn giám sát kết luận tại các buổi làm việc, đề nghị địa phương quan tâm hơn nữa công tác lãnh, chỉ đạo nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của ngành chức năng và ngành liên quan trong công tác tiếp công dân và tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của người dân, nhất là liên quan đến bạo lực, xâm hại PNTE trên địa bàn; ban hành các văn bản quy định trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong công tác phối hợp giải quyết các vụ việc theo đúng quy trình; phát huy vai trò của lực lượng BCV, TTV pháp luật, các địa chỉ tin cậy, thành viên các tổ hòa giải cơ sở, tổ/CLB phản ứng nhanh, phòng chống TNXH, bạo lực,…trong việc nắm bắt thông tin, tình hình tư tưởng, dư luận xã hội quan tâm địa bàn để kịp thời làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, hòa giải tại cơ sở, hạn chế tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh; đảm bảo an toàn, bí mật thông tin cho người tố giác tội phạm, có giải pháp hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân bị bạo lực, bị xâm hại,…xảy ra trên địa bàn (bố trí nơi tạm lánh, quan tâm thực hiện các chính sách hỗ trợ kịp thời,…); xử lý nghiêm, dứt điểm các vụ việc xảy ra, tránh để kéo dài dẫn đến đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh vượt cấp.
Công tác giám sát là hoạt động thường xuyên của Hội LHPN tỉnh nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và Quyết định 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Trong đó, giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em là hoạt động thiết thực nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp về nghiệp vụ giám sát, tham gia giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, giúp cho địa phương thấy rõ những hạn chế cần khắc phục, chỉ ra những vấn đề bất cập trong công tác phối hợp của các ban ngành địa phương và định hướng những giải pháp, nhiệm vụ cụ thể để trong thời gian tới giúp cho công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em đạt hiệu quả, thực hiện đúng quy trình và pháp luật quy định./.