Qua nhiều vụ việc xảy ra ở các địa phương cho thấy, không ít trường hợp phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại về tình dục, đối tượng gây ra lại chính là những người thân thiết trong gia đình (cha, chú, anh ruột,…) hoặc người quen biết (hàng xóm, bạn bè,…). Nguyên nhân là do nạn nhân (hầu hết là trẻ em) thiếu kiến thức về kỹ năng sống, kỹ năng phòng vệ cá nhân, thiếu sự quan tâm của gia đình, thiếu hiểu biết trong sử dụng công nghệ thông tin (mạng xã hội), ảnh hưởng của hình ảnh, video bạo lực, nhạy cảm trên môi trường mạng; phụ huynh chưa phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ,…
Tại các buổi nói chuyện chuyên đề, hội viên, phụ nữ và các em học sinh được phổ biến, nâng cao nhận thức, kiến thức về pháp luật được quy định trong Luật Hôn nhân Gia đình; Luật Bình đẳng giới, Luật phòng chống mua bán người; kỹ năng an toàn cho phụ nữ và trẻ em trong gia đình về phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em; an toàn cho phụ nữ và trẻ em nơi cộng cộng, trong trường học vàcách sử dụng mạng xã hội hiệu quả, an toàn. Đặc biệt tại các điểm trường học, báo cáo viên đã hướng dẫn các em thực hành những kỹ năng cơ bản để phòng, tránh và bảo vệ an toàn cho bản thân.
Đồng thời, cán bộ, hội viên phụ nữ và các em học sinhcũng chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm thực tế của bản thân trong việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa như: nhận diện hành vi, dấu hiệu, nguy cơ bị xâm hại (làm quen, tặng quà, rủ rê đến những nơi vắng vẻ, nhà nghỉ, nhà trọ,…); cách giải quyết mâu thuẫn trong học tập, sinh hoạt; cạnh tranh, ghanh đua, ghen tỵ nhau trong mối quan hệ hàng ngày.
Qua đó, Hội LHPN tỉnh cũng đã cung cấp các số điện thoại đường dây nóng khi phát hiện vụ việc xảy ra hoặc nhận diện dấu hiệu, hành vi nguy cơ bị bạo lực, bị xâm hại thì nhanh chóng liên hệ các cơ quan, tổ chức kịp thời can thiệp, hỗ trợ như: 111 (Tổng Đài Quốc gia bảo vệ trẻ em); 113 (Cảnh sát phản ứng nhanh); 0377672444 (đường dây nóng của Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng)./.