Qua nhiều vụ việc xảy ra ở các địa phương cho thấy, không ít trường hợp phụ nữ, trẻ em bị bạo lực gia đình; bị xâm hại về tình dục, đối tượng gây ra lại chính là những người thân thiết trong gia đình (ông, cha, chú, anh ruột,…) hoặc người quen biết (hàng xóm, bạn bè,…). Nguyên nhân là do nạn nhân (hầu hết là trẻ em) thiếu kiến thức về kỹ năng sống, kỹ năng phòng vệ cá nhân, thiếu sự quan tâm của gia đình, thiếu hiểu biết trong sử dụng công nghệ thông tin (mạng xã hội), ảnh hưởng của hình ảnh, video bạo lực, nhạy cảm trên môi trường mạng; phụ huynh chưa phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ. Ngoài ra, nhiều trường hợp bị bạo lực nhưng không dám lên tiếng, không chia sẻ để nhờ sự giúp đỡ của gia đình, người thân, bạn bè … cho rằng đây là việc riêng của gia đình nên nhiều chị, em phụ nữ cam chịu, ít trình báo chính quyền địa phương sợ bị phạt hành chính và khị bị phạt thì chính các chị là người phải đóng tiền nộp phạt.
Chính từ những thực trạng trên, tại các buổi nói chuyện chuyên đề, các đồng chí báo cáo viên triển khai phổ biến, nâng cao nhận thức, kiến thức về pháp luật cho các chị hội viên, phụ nữ về các nội dung như: Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2022; Luật trẻ em 2016; Luật phòng chống mua bán người; Luật an ninh mạng; Luật tiếp cận thông tin; các nghị định xử phạt về hành vi bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em và an ninh mạng,… Đặc biệt, nhằm giúp cho HVPN nắm những kiến thức về pháp luật và thực hiện đúng các quy định pháp luật, thông qua phần câu hỏi - đáp (trả lời có thưởng) các báo cáo viên đã truyền tải những câu hỏi liên quan các Luật giúp các chị em HVPN nắm, hiểu, nhớ và thực hiện đúng pháp luật. Với phần hỏi - đáp có thưởng đã tạo bầu không khí sôi nổi, hào hứng tham gia, góp phần cho buổi tuyên truyền đạt hiệu quả và truyền tải nhiều kiến thức pháp luật cho các chị em HVPN.
Qua đó, Hội LHPN tỉnh cũng đã cung cấp các số điện thoại đường dây nóng khi phát hiện vụ việc xảy ra hoặc nhận diện dấu hiệu, hành vi nguy cơ bị bạo lực, bị xâm hại thì nhanh chóng liên hệ các cơ quan, tổ chức kịp thời can thiệp, hỗ trợ như: 111 (Tổng Đài Quốc gia bảo vệ trẻ em); 113 (Cảnh sát phản ứng nhanh); 0377672444 (đường dây nóng của Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng) và các cơ sở được Hội LHPN tỉnh kết nối để hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị bạo lực gia đình, xâm hại./.