18:50 15/01/2025
NÔNG NGHIỆP SINH THÁI - NÔNG THÔN HIỆN ĐẠI - NÔNG DÂN VĂN MINH
DỰ ÁN VnSAT GÓP PHẦN CHO XÃ ĐẠI TÂM PHẤN ĐẤU ĐẠT CHUẨN NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU
(02/02/2023)
Xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên là một trong 30 xã của tỉnh tham gia Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (dự án VnSAT). Trong thời gian qua, dự án đã đẩy nhanh tiến trình thực hiện Đề án Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, góp phần cho xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2023.

Trong thời gian qua, Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) đã hỗ trợ cho xã nâng cấp nhiều tuyến đường giao thông nội đồng giúp người dân đi lại và vận chuyển hàng hóa thuận lợi. Theo đó, từ nguồn vốn hơn 18 tỷ đồng do dự án hỗ trợ và đối ứng từ các cá nhân, tổ chức, các địa phương đã triển khai nâng cấp các tuyến lộ giao thông nội đồng ra khu sản xuất lúa. Cụ thể đã đầu tư công trình giao thông phục vụ phát triển lúa gạo bền vững trên địa bàn xã với chiều dài gần 3,5km, rộng 3,5m, tải trọng trục xe 2,5 tấn; 07 cây cầu rộng 3,5m, dài 15m - 27m, tải trọng 3,5 tấn. Đối với hợp tác xã dịch vụ và sản xuất lúa Nghĩa Thắng, dự án đã đầu tư xây mới tuyến đường dài 2,2km, rộng 3,5m, tải trọng trục xe 2,5 tấn; 02 Cống ngang đường và 01 cầu giao thông rộng 3,5m, dài 24 m - tải trọng 3,5 tấn.  Ông Trần Chín Tâm – Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đại Tâm phấn khởi nói “Trước đây, tuyến đường dẫn ra khu vực sản xuất là đường đất nên việc vận chuyển vật tư nông nghiệp và nông sản gặp nhiều khó khăn, từ khi tuyến đường nội đồng này được nâng cấp, người dân rất phấn khởi vì đi lại và vận chuyển nông sản thuận lợi. Bà con ở đây mang ơn dự án lắm”. 
     Công tác đào tạo, thay đổi phương thức canh tác cho nông dân cũng được Ban quản lý dự án VnSAT chú trọng. Sau khi tham gia dự án “Nông dân đã chuyển đổi từ việc trồng lúa theo kiểu truyền thống sang trồng lúa áp dụng quy trình kỹ thuật "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm", giúp giảm lượng lúa giống gieo sạ từ 150kg xuống 100kg/ha; lượng phân bón trung bình giảm từ 30 - 70Kg so trước Dự án; giảm được số lần phun thuốc bảo vệ thực vật so trước khi được đào tạo khoảng từ 3 - 6 lần/vụ, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất lúa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường”. Ông Trương Tấn Lâm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã cho biết.
     Dự án còn khuyến khích phát triển kinh tế tập thể làm hạt nhân liên kết theo mô hình chuỗi giá trị đảm bảo đầu vào và đầu ra ổn định hạt lúa hàng hóa. Điển hình là Hợp tác xã Dịch vụ và sản xuất lúa Nghĩa Thắng, sau khi tham gia dự án đã nâng diện tích của Hợp tác xã lên 100ha, với 20 thành viên. Dự án đã hỗ trợ hình thành những mối liên kết tiêu thụ ổn định với doanh nghiệp trong liên kết tiêu thụ nông sản Hồ Quang Trí để tiêu thụ lúa thương phẩm cho thành viên với giá cao hơn thị trường từ 7 – 10%/kg; liên kết với cơ sở Hoàng Đệ tiêu thụ lúa ST24 trong 4 vụ (Hè Thu 2021, 2022 và vụ Đông Xuân 2021-2022, 2022-2023) với tổng diện tích 400ha. Ngoài ra, sau khi Hợp tác xã được dự án hỗ trợ các máy móc, trang thiết bị gồm 05 máy Cấy lúa 4 hàng; 01 máy tách hạt; 04 máy phun hạt đã tạo điều kiện cho Hợp tác xã từng bước cơ giới hóa, tiến tới hiện đại hóa trong sản xuất lúa.
     Từ nền tảng của dự án, những kết quả đạt được đã giúp địa phương tổ chức lại sản xuất lúa theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu cũng như ứng dụng công nghệ cao trong canh tác lúa giai đoạn 2021 - 2025. Qua đó, thiết thực góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã. Những công trình giao thông nông thôn, cống đập, cầu nông thôn ngoài thực hiện tốt vai trò phục vụ sản xuất nông nghiệp còn góp phần thay đổi diện mạo nông thôn. Đời sống của hộ dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 64,47 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,28%, hộ cận nghèo còn 1,2%. Qua đó, vinh dự được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022, mạnh dạn đăng ký xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023.

Ảnh: công trình giao thông phục vụ phát triển lúa gạo bền vững trên địa bàn xã Đại Tâm.

Nguyễn Thị Thanh Tâm - VPĐP nông thôn mới tỉnh Sóc Trăng
Bài viết liên quan
VĂN BẢN
LIÊN KẾT WEB