Thực hiện sự chỉ đạo của Thị ủy Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng về tái cơ cấu chuyển đổi ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị tăng và phát triển bền vững, với điều kiện tự nhiên là vùng trũng, đất phèn, mặn phù hợp cho nhiều loại cầy trồng, vật nuôi. Nhiều chị em hội viên, phụ nữ mạnh dạng chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng mãng cầu gai ghép gốc bình bát do đặc tính cây mãng cầu gai dễ trồng, dễ chăm sóc và phát triển nhanh, phù hợp với thổ nhưỡng, nguồn nước địa phương... Trên cơ sở đó, toàn thị xã có 240,9 ha đất trồng mãng cầu gai ở 8/8 xã, phường, trong đó, xã Vĩnh Quới là địa bàn có 191 ha, chiếm gần 80% tổng diện tích, sản lượng hàng năm trên 3.500 tấn/4.375 tấntrên toàn thị xã.
Ngoài việc cung cấp trái mãng cầu tươi cho người dân với giá bán trung bình từ 55.000 - 80.000 đồng/kg, cao điểm lên đến 125.000 đồng/kg thu tại vườn. Các hội viên, phụ nữ còn chế biến thành nhiều sản phẩm mới được đóng gói bao bì đẹp, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường tiêu dùng hàng ngày, làm quà biếu vào các dịp lễ, tết như: trà mãng cầu (giá bán từ 600.000 đồng - 1.000.000 đồng/kg), mứt mãng cầu, rượu mãng cầu, bánh mãng cầu, mãng cầu sấy dẻo… với giá bán cao hơn 3 - 4 lần so với giá mãng cầu tươi. Từ những cải tiến này, thu nhập của hội viên từ 600 - 850 triệu đồng/ha/năm, tăng từ 250 - 350 triệu đồng/ha so với trước đây, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho hàng trăm hội viên, phụ nữ tại địa phương.
Đặc biệt, nhằm phát triển mở rộng và kết nối được nhiều tỉnh, thành đặt hàng, nhận làm đại lý, mở rộng kết nối tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử … thúc đẩy nâng cao giá trị các sản phẩm từ mãng cầu gai, Hội LHPN thị xã Ngã Năm đã tuyên truyền, vận động hỗ trợ các chị mạnh dạng đăng ký sản phẩm OCOP. Đến nay đã có 04 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao cấp tỉnh và cấp thị xã : 02 sản phẩm trà mãng cầu và sản phẩm mứt mãng cầu Ngọc Trân (của chị Cao Thị Ngọc Mỹ, ấp Vĩnh Kiên, xã Vĩnh Quới); bánh mãng cầu Do Thiên (của chị Phạm Thị Bé Ba ở khóm Vĩnh Mỹ, phường 3); trà mãng cầu Vĩnh Kiên (của hội viên, phụ nữ thuộc Hợp tác xã Vĩnh Kiên, xã Vĩnh Quới),…
Qua những đột phá về sự năng động trong cách nghĩ, cách làm sáng tạo của hội viên, phụ nữ mạnh dạn phát triển ý tưởng khởi nghiệp, chuyển đổi nâng giá trị kinh tế của cây mãng cầu gai đã góp phần mở ra một hướng đi mới hiệu quả cho nông sản địa phương cũng như góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho chị em, nâng cao đời sống tế gia đình, hạn chế tình trạng bỏ địa phương đi làm ăn xa./.