Tham gia hội thi gồm có 11 đội với 55 thí sinh đến từ Hội Liên hiệp phụ nữ các các xã, phường và Hội Phụ nữ Công an thị xã thị xã Vĩnh Châu. Ngoài ra, còn có đơn vị Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cùng tham gia trưng bày.
Theo quy định của Ban tổ chức, thời gian chế biến và trình bày các món bánh tét, bánh gừng dự thi là 07 giờ, không tính thời gian sơ chế. Nguyên liệu làm bánh phải là những thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm với phương châm tiết kiệm và sáng tạo trong sử dụng nguyên liệu. Các món bánh được chế biến phải có hình thức đẹp mắt, thể hiện đặc trưng của địa phương và nét truyền thống của loại bánh dân gian này. Các đội thi không được đưa các loại bánh đã chế biến sẵn để tham gia dự thi.
Tại hội thi, các thí sinh làm bánh đã thể hiện sự tài năng, bản lĩnh của mình bằng đôi bàn tay khéo léo, tinh tế. Sau khi chuẩn bị và trang trí xong, các món bánh được trưng bày tại khu vực do Ban tổ chức quy định. Mâm bánh dự thi đảm bảo số lượng đã quy định (20 đòn bánh tét/đội, 01 kg bột nguyên liệu bánh gừng).
Ban Giám khảo cũng đã tiến hành chấm thi, nghe các đội thuyết trình về “sản phẩm” dự thi của mình với thời gian không quá 05 phút. Ngoài món bánh trưng bày (bánh tét, bánh gừng, một số đội còn trang trí thêm bình hoa, cốm dẹp, bánh ngọt, nước uống rất chỉnh chu và bắt mắt.
Qua phần thuyết trình của các đội dự thi đều nói lên được ý nghĩa của bánh gừng mà đồng bào Khmer được gọi là Num – khơ - nhây, vì bánh có hình dạng giống củ gừng nên còn được gọi là “bánh gừng”. Trong các dịp quan trọng như Lễ Sene Đôn Ta, Tết Chôl - Chnăm - Thmây, dịp cưới hỏi… đều phải có mặt của bánh gừng trên bàn thờ gia tiên, thần Phật. Củ gừng có rất nhiều nhánh đại diện cho sự gắn bó bền chặt và sinh sôi nảy nở. Đây là lời chúc phúc cho gia đình, con cháu được sung túc, ấm êm và phát triển giống như gừng đẻ nhiều nhánh. Còn bánh Tét có lớp mềm và dẻo được bao bọc bởi nhiều lớp lá chuối, nhìn rất giống hình ảnh người mẹ đang ôm lấy con của mình. Bởi lẽ vì thế mà bánh tét mang ý nghĩa sum vầy, mang đậm giá trị tình thân.
Phát biểu đánh giá Hội thi, đ/c Nguyễn Thị Diện đã biểu dương tinh thần đoàn kết, gắn bó, giao lưu, học hỏi, tự tin, trách nhiệm của các đơn vị dự thi trong làm bánh dân gian, nhất là bánh Tét và bánh Gừng, hai loại bánh không thể thiếu trong dịp Lễ, Tết của đồng bào dân tộc Khmer. Qua đó, góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực địa phương, góp phần vào thành công của Tết Quân – dân mừng Chôl - Chnăm - Thmây năm 2024 lần đầu tiên tổ chức trên địa bàn xã Vĩnh Phước.
Kết thúc Hội thi, Ban tổ chức, Ban Giám khảo đã chọn ra 01 giải nhất là đơn vị xã Lai Hòa, 01 giải nhì thuộc về đơn vị xã Vĩnh Phước, 01giải ba thuộc đơn vị Công an thị xã Vĩnh Châu và 8 giải khuyến khích cho các xã, phường còn lại.