Năm 2024, cả hệ thống chính trị tỉnh Sóc Trăng tiếp tục nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của Phong trào thi đua trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (viết tắt là Chương trình nông thôn mới).
Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đặc biệt quan tâm hỗ trợ trên 185 tỷ đồng thực hiện Chương trình nông thôn mới; Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành 02 chính sách phục vụ xây dựng nông thôn mới, trên 10 Nghị quyết về phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn vốn Chương trình dựng nông thôn mới; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định sửa đổi và hợp nhất Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp, điều chỉnh một số nội dung trong thực hiện Phong trào thi đua và nhiều văn bản chỉ đạo điều hành về cải tạo cảnh quan môi trường, giải ngân vốn, đôn đốc tiến trình hoàn thiện hồ sơ đạt chuẩn nông thôn mới … Đồng thời Chủ tịch UBND tỉnh đã biểu dương, tôn vinh và tặng Bằng khen cho 20 tập thể, 59 cá nhân điển hình tiêu biểu trong Phong trào thi đua, tạo sức lan tỏa, thi đua sôi nổi giữa các địa phương cùng xây dựng nông thôn mới.
Các sở, ban ngành tỉnh đã thể hiện đầy đủ trách nhiệm trong hoạt động phối hợp liên ngành của Ban Chỉ đạo, góp phần hoàn thành mục tiêu chung của tỉnh. Lãnh đạo các sở, ban ngành phụ trách chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới chủ động hướng dẫn các tiêu chí ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định điều chỉnh (Sở Giao thông vận tải, Sở Y tế và Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh); Sở Xây dựng thường xuyên nhắc nhở, chỉ đạo các địa phương hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới thuộc lĩnh vực ngành xây dựng phụ trách theo kế hoạch năm 2024; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chủ động thực hiện tốt việc lấy ý kiến sự hài lòng người dân ngay từ đầu năm; Sở Tài chính tích cực tham mưu tỉnh phân bổ, thực hiện nguồn vốn đối ứng của tỉnh hỗ trợ xây dựng nông thôn mới; Đài Phát thanh và Truyền hình Sóc Trăng có chuyên mục xây dựng nông thôn mới phát sóng định kỳ hàng tuần vào tối thứ bảy, khung giờ từ 18h30 đến 19h00; Báo Sóc Trăng với chuyên mục “Xây dựng nông thôn mới”; chuyên mục nông thôn mới trên thông báo nội bộ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Cổng thông tin điện tử nông thôn mới tỉnh Sóc Trăng; Văn phòng Điều phối nông thôn tỉnh mới hỗ trợ ắp đặt xây dựng 22 cụm Pano, 25 Cổng chào ấp văn hóa nông thôn mới, 3.000 móc khóa dành cho cán bộ cấp tỉnh, huyện, và xã, 23.000 móc khóa dành cho các hộ dân, 25 thùng loa kẹo kéo để tuyên truyền nông thôn mới,… Bên cạnh đó, Phong trào thi đua được thực hiện thông qua hình thức xây dựng mô hình cụ thể như: (i) Mô hình ấp văn hóa nông thôn mới cho các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024; (ii) Mô hình chuyển đổi số cho xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên và xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú…
Các địa phương cụ thể hóa Phong trào thi đua bằng những chương trình, kế hoạch, việc làm phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị, địa phương. Với quan điểm ngân sách nhà nước chỉ đóng vai trò là “vốn mồi”, “huy động nguồn lực từ cộng đồng” mới là yếu tố quyết định cho sự thành công của Chương trình. Trong năm các địa phương đã huy động doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và cộng đồng dân cư tự nguyện đóng góp xây dựng nông thôn mới với giá trị trên 226 tỷ đồng thông qua việc tự nguyện hiến đất, ngày công lao động, đóng góp tiền,.... Phát động đăng ký thực hiện và nâng cao chất lượng hộ văn hóa nông thôn mới, ấp văn hóa nông thôn mới, duy trì và nâng chất 454 tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu trên khắp địa bàn các ấp với tổng chiều dài hơn 544 km, trong đó một số tuyến đường tiêu biểu đã phát triển trở thành mô hình chỉ đạo điểm, khuyến khích nhân rộng như tuyến đường liên xã Tham Đôn - Ngọc Đông - Hòa Tú 1 với tổng chiều dài trên 15 km, tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu xã Long Hưng dài 08 km, tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu ấp Trung Nhất, xã Lâm Tân, tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu xã Hậu Thạnh,… xây dựng mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”; mô hình “Khu dân cư phòng chống tội phạm”; mô hình “Thắp sáng đường quê”; mô hình chỉ đạo điểm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ... cũng được triển khai sôi nổi, rộng khắp. Nổi bật là cách làm của huyện Cù Lao Dung phát động thực hiện 30 ngày đêm chỉnh trang cảnh quan và tổng vệ sinh môi trường; huyện Châu Thành phát động thực hiện Chiến dịch 20 ngày đêm chỉnh trang nông thôn mới, đô thị văn minh.
Hình: Mô hình tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên
Để thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua, các địa phương đã phát huy hiệu quả vai trò của người đứng đầu, từng cán bộ đảng viên, thật sự năng động, tiên phong, gương mẫu thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới, quyết tâm giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí, lấy chất lượng ở cơ sở làm mục tiêu để phấn đấu. Đặc biệt, công tác tuyên truyền được các địa phương chú trọng thực hiện gắn liền với việc bàn bạc, công khai, dân chủ đã tạo được niềm tin và sự hưởng ứng tích cực của Nhân dân…
Nhiều mô hình hay cách làm hiệu quả trong Phong trào thi đua đã được cả hệ thống chính trị triển khai tích cực, hiệu quả, huy động lực lượng cán bộ, chiến sĩ, học sinh, các tổ chức đoàn thể và Nhân dân cùng tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, xây dựng tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu,… hai xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung và Xã Long Đức, huyện Long Phú không nằm trong Kế hoạch của UBND tỉnh đã đăng ký hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới nâng cao … tất cả đã góp phần hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới theo Kế hoạch số 23/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh./.