Trước đây, do hoàn cảnh khó khăn các chị, em phải đi làm ăn xa. Từ khi bùng phát dịch Covid-19, được các cấp Hội vận động làm việc tại nhà và học may thảm. Lúc đầu, mỗi chị tranh thủ thời gian rảnh rỗi ở nhà và may riêng lẻ. Do vậy mỗi người may mỗi kiểu, không đáp ứng được nhu cầu mẫu mã của khách hàng và đa số may bán lẻ nên đầu ra sản phẩm cũng không được nhiều.
Nắm bắt tình hình nhu cầu và nguyện vọng của chị em may thảm ở đia phương và nhu cầu thị trường. Hội LHPN xã Mỹ Phước vận động các chị và thành lập “Tổ hợp tác Gia Thọ” do chị Nguyễn Thị Thiên Nga làm tổ trưởng. Chị Nga chủ động cho chị em trong tổ mượn máy may để may thảm để có thêm thu nhập. Đồng thời, chị cũng tranh thủ tìm đầu ra cho sản phẩm, tiêu thụ trong và ngoài xã.
Nhằm giúp gia đình các chị trong tổ hợp tác mở rộng sản xuất, Hội LHPN Huyện Mỹ Tú phối hợp với Phòng khuyến công huyện hỗ trợ 10 máy may công nghiệp cho chị em thành viên. Hội LHPN xã Mỹ Phước đã tranh thủ nguồn vốn Quỹ Quốc Gia giải quyết việc làm từ Ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ cho 07 chị vay với số tiền 210 triệu đồng (mỗi chị 30 triệu đồng). Sau khi được vay vốn, các chị bắt đầu mua thêm dụng cụ sản xuất (máy may công nghiệp) để đầu tư may thảm được thêm nhiều sản phẩm, đa dạng về mẫu mã. Đến nay, tổ hợp tác đã ký hợp đồng nhận may gần 4.000 tấm thảm trị giá gần 180 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 09 hội viên và giải quyết việc làm tại gia đình cho 12 chị, tận dụng thời gian nhàn rỗi thực hiện công đoạn may dây (trước khi vào công đoạn may thảm theo mẫu khách hàng đặt).
Từ thực tế cho thấy, mô hình rất phù hợp ở vùng nông thôn, bất kỳ chị em nào cũng có thể tham gia và mang lại thu nhập cho gia đình. Hướng tới, Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo thành lập, nhân rộng tổ hợp tác phù hợp với điều kiện từng địa phương và đáp ứng nhu cầu giải quyết việc làm của hội viên, phụ nữ trên địa bàn./.