Qua nắm tình hình các vụ việc, nguyên nhân chính dẫn đến phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại là do thiếu sự quan tâm của gia đình, thiếu kỹ năng tự vệ, đời sống kinh tế khó khăn, gia đình không trọn vẹn, nạn nhân và gia đình chưa dám lên tiếng để tố giác do sợ trả thù, sợ bị cười chế; biện pháp chế tài của pháp luật chưa đủ sức răn đe…Xuất phát từ thực trạng trên, từ năm 2017 đến nay, với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Hội LHPN là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em và hưởng ứng chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” do TW Hội LHPN Việt nam phát động, Hội LHPN tỉnh đã thực hiện các giải pháp để đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ trong phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em.
Tranh thủ nguồn kinh phí Ngân sách Nhà nước, từ các ngành phối hợp và khai thác, thực hiện Dự án “Nâng cao năng lực của trẻ vị thành niên và nữ thanh niên trong việc thực hiện quyền sức khỏe và quyền được bảo vệ khỏi bị xâm hại và bạo hành trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2017 - 2021”, Đề án 938 “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027”,…Hàng năm, tổ chức hàng trăm cuộc nói chuyện chuyên đề, tập huấn, hội thi, diễn đàn trẻ em, diễn đàn phòng chống bạo lực gia đình, phiên tòa giả định, diễn tiểu phẩm, chiếu video, phát tờ rơi,.. cho trên 5.000 hội viên, phụ nữ, học sinh các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường dân tộc nội trú, lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên của Hội, cán bộ phụ trách công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em của 11 huyện, thị xã, thành phố. Địa bàn mà Hội lựa chọn tổ chức là nơi có xảy ra vụ việc, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo. Các nội dung được lựa chọn phù hợp với từng đối tượng cụ thể như: Kỹ năng, giải pháp phòng chống bạo lực, xâm hại PN, TE, nhất là bạo lực học đường, xâm hại tình dục, kỹ năng sống, kiến thức tiền hôn nhân, sức khỏe sinh sản; giới thiệu các mô hình hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực, bị xâm hại; các hình thức xử phạt hành vi vi phạm Luật phòng chống BLGĐ, Luật bình đẳng giới, Luật trẻ em,…
Hội LHPN tỉnh trực tiếp hỗ trợ kinh phí thành lập 100 CLB “Mẹ và con gái – cha và con trai”; nói không với bạo lực; chia sẻ; niềm vui nhân đôi nỗi buồn chia hai; an toàn cho trẻ em…với trên 2.000 thành viên; 09 Câu lạc bộ trẻ em với 270 em tham gia sinh hoạt (trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn…), trên địa bàn các xã trọng điểm, phức tạp; 05 góc tư vấn học đường ở Trường trung học cơ sở và 01 góc ở điểm chùa. Các cấp Hội thành lập 50 CLB tiền hôn nhân trong nữ thanh niên thu hút gần 1.000 em tham gia sinh hoạt; ra mắt, duy trì hoạt động trên 5.000 tổ/nhóm/CLB phụ nữ phòng chống bạo lực, xâm hại PNTE, gia đình không mắc TNXH, CLB ông bà mẫu mực con cháu hiếu thảo, CLB gia đình hạnh phúc, CLB nam giới không bạo hành, tổ/CLB PN với pháp luật thu hút gần 85 nghìn hội viên, phụ nữ tham gia sinh hoạt nên thuận lợi cho công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phòng chống bạo lực, xâm hại PNTE.
Duy trì hoạt động của Trung tâm tư vấn Hôn nhân và gia đình trực thuộc Hội LHPN tỉnh thực hiện tư vấn những vấn đề liên quan đến hôn nhân, gia đình trong và ngoài nước cho công dân Việt Nam theo quy định của pháp luật hiện hành; Tư vấn, can thiệp các trường hợp phụ nữ, trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực....; Tư vấn kiến thức pháp luật về: hôn nhân gia đình, bình đẳng giới, phòng chống xâm hại phụ nữ, trẻ em, bạo lực gia đình, phòng, chống mua bán phụ nữ, trẻ em; phòng chống tệ nạn xã hội...; Liên kết các Trung tâm, cơ quan, tổ chức... hỗ trợ, can thiệp các trường hợp phụ nữ, trẻ em bị xâm hại, bạo lực...Bình quân hàng năm, Trung tâm tiếp nhận, tư vấn cho trên 30 đơn thư, vụ việc liên quan đến các hành vi bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em; tư vấn pháp luật về hôn nhân gia đình; tham gia giám hộ trẻ em gái bị xâm hại tình dục. Phối hợp Trung tâm Nhịp cầu hạnh phúc TP.Hồ Chí Minh đưa 08 trẻ em bị xâm hại tình dục lên Nhà Nhịp cầu hạnh phúc học tập, sinh sống (miễn phí).
Hội đã thành lập đường dây nóng bằng di động (0377.672.444) từ đầu năm 2020 nhằm hỗ trợ, can thiệp, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý kịp thời cho HVPN toàn tỉnh về bạo lực, xâm hại PNTE, in ấn 9.000 tờ bướm tuyên truyền đường dây nóng gửi cho HVPN. Đến nay, đường dây đã tiếp nhận, tư vấn hơn 20 vụ bạo lực gia đình, xâm hại PNTE trong và ngoài giờ hành chính.
Đẩy mạnh công tác phối hợp tham mưu đề xuất; tham gia giám sát, phản biện xã hội, đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, nhất là giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến phòng, chống bạo lực, xâm hại PNTE. Trong năm 2019 và 2020, tỉnh và các cấp Hội lựa chọn nội dung giám sát Chương III “Hỗ trợ, can thiệp đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt” theo Nghị định Số: 56/2017/NĐ-CP ngày 9/5/2017 của Chính phủ. Từ đó, kiến nghị hỗ trợ chính sách cho 25 trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục chưa được hỗ trợ kịp thời theo quy định của Bộ Lao động Thương binh và xã hội.
Bên cạnh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền qua nhóm facebook: Phụ nữ Sóc Trăng (gần 5.000 thành viên), nhóm zalo: các video, hình ảnh, tài liệu tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng chống bạo lực, xâm hại PNTE cho chị em. Từ đó, hội viên, phụ nữ cũng mạnh dạn, tự tin hơn trong việc lên tiếng, tố giác các hành vi xâm hại, bạo lực, nhất là bạo lực về thể chất, bạo lực về tình dục.
Tuy nhiên, để công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ trong phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em hiệu quả hơn nữa, trong thời gian tới cần: Các cấp Hội đẩy mạnh công tác phối hợp (Sở Lao động TBXH, Sở Giáo dục, Công an…) tổ chức sinh hoạt chuyên đề, hướng dẫn kỹ năng sống, kỹ năng tự vệ cho học sinh các cấp, sinh viên các trường, trong hội viên, phụ nữ vùng sâu, vùng xa, những điểm nóng về an ninh trật tự. Khi phát sinh vụ việc, ngành chức năng cần nhanh chóng vào cuộc để xử lý, nhất là hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân (tạm lánh, ổn định tâm lý, khám sức khỏe..), bảo vệ người tố giác tội phạm. Đồng thời, cần sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành, đoàn thể chính trị xã hội và cộng đồng để giảm dần, tiến đến chấm dứt tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em./.