Từ năm 2014, được Tổ chức Bánh mì cho Thế giới (Đức) tài trợ, Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng đã triển khai Dự án Hỗ trợ sinh kế bền vững cho phụ nữ nghèo và nạn nhân của bạo hành gia đình và buôn bán tại 6 xã thuộc huyện Châu Thành và thị xã Vĩnh Châu.
Mô hình nuôi gà thả vườn hỗ trợ sinh kế bền vững cho phụ nữ nghèo ở huyện Châu Thành.
Theo phạm vi bao phủ, các xã vùng Dự án sẽ có hơn 7.000 hộ nghèo, phụ nữ bị buôn bán, phụ nữ lấy chồng nước ngoài trở về địa phương sinh sống, bị bạo hành và các thành viên câu lạc bộ “Niềm vui nhân đôi, nỗi buồn chia hai” được hưởng lợi trực tiếp từ các hoạt động hỗ trợ. Bà Châu Thị Chúc, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Châu Thành, cho biết: “Ngoài hỗ trợ vốn cho chị em phát triển kinh tế gia đình. Hội còn kết hợp Ngành Nông nghiệp tổ chức chuyển giao kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi giúp chị em nâng cao trình độ sản xuất, nhất là mô hình nuôi gà thả vườn đang cho hiệu quả cao”.
Qua khảo sát của Ban Quản lý Dự án cho thấy, phần lớn các hộ nghèo vùng Dự án đều sống bằng nghề nông và mua bán nhỏ. Do đó với mong muốn góp phần cải thiện đời sống người dân và ổn định xã hội, Ban Quản lý Dự án đã xây dựng một số mô hình điểm, đầu tư hướng dẫn các hộ phát triển kinh tế phù hợp. Kết quả Dự án hướng đến là giúp phụ nữ nghèo tăng thu nhập từ sản xuất nông nghiệp và các ngành nghề thủ công, dịch vụ, cũng như tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay của Hội Phụ nữ. Cụ thể sẽ có 80 % hộ nghèo thuộc nhóm mục tiêu được tăng thu nhập gia đình, trong đó tăng ít nhất 30 % thu nhập bình quân của hộ nghèo tham gia Dự án, thông qua các hình thức hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển kinh tế gia đình trong chăn nuôi và mua bán nhỏ. Chị Lê Thị Hồng Dung, Chủ tịch Hội LHPN xã An Ninh, cho biết: “Từ nguồn vốn của dự án Hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ nghèo, chị em trong xã đã xây dựng được các mô hình góp phần tăng thu nhập gia đình như: nuôi gà thả vườn, nuôi bò, mua bán nhỏ. Từ đó nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo”.
Đối với 3 xã ở huyện Châu Thành, Dự án đã đầu tư vào mô hình nuôi cá lóc trong vèo và gà thả vườn, vì lợi nhuận từ cá, gà khá cao, đầu ra ổn định và đây là thực phẩm cần thiết cho bữa ăn gia đình. Bên cạnh, chăn nuôi gà, cá rủi ro thấp, vốn ban đầu không nhiều, hộ nghèo, cận nghèo cũng có thể làm được, nhất là những hộ dân sinh sống dọc theo bờ sông và vùng nông thôn có đất đai rộng rãi. Bà Lê Thị Kim Thủy ở xã Hồ Đắc Kiện, cho biết: “Trước đây gia đình cũng có nhiều khó khăn, đến khi tham gia sinh hoạt Hội Phụ nữ được chị em góp vốn giúp đỡ gia đình tôi phát triển mô hình nuôi cá kết hợp nuôi gà. Giờ thì cuộc sống đã khá hơn trước rất nhiều”.
Thời gian qua, trong hỗ trợ xây dựng mô hình đa dạng ngành kinh doanh, sản xuất nông nghiệp và dịch vụ, Ban Quản lý Dự án còn thành lập các Nhóm hỗ trợ Phụ nữ tại cộng đồng, hình thành 331 Nhóm Phụ nữ tiết kiệm, 3 Câu lạc bộ Niềm tin nhân đôi, nỗi buồn chia hai, với 5.749 thành viên. Qua duy trì họp lệ mỗi tháng, đã giúp các thành viên dần nâng cao nhận thức về mọi mặt, biết đoàn kết giúp đỡ nhau trong cuộc sống và có ý thức tự bảo vệ mình trước các vấn đề xã hội. Hiện các xã vùng Dự án đang xây dựng mô hình mẫu để người dân tham quan, học tập và nhân rộng, nhằm đảm bảo tính hiệu quả và bền vững của Dự án./.