Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa đưa ra hai dự thảo văn bản liên quan đến công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 cần xin ý kiến đóng góp của các chuyên gia gồm: Nghị quyết số 1134/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thương vụ Quốc hội khóa XIII quy định chi tiết, hướng dẫn về việc tổ chức hội nghị cử tri; việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp xã ở thôn, tổ dân phố; việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong bầu cử bổ sung; Nghị quyết liên tịch hướng dẫn quy trình hiệp thương bầu cử, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Bên cạnh đó, Hội cũng tham vấn về các tài liệu Cẩm nang dành cho cán bộ Hội LHPN Việt Nam các cấp về công tác tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026 và tài liệu hướng dẫn giám sát Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
Phó Chủ tịch Bùi Thị Hòa nhấn mạnh: “Các quy định về thủ tục lấy ý kiến nơi công tác, cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đặc biệt là quy định số lượng cử tri tham dự, cách thức lấy ý kiến cử tri qua phiếu hay hội nghị cử tri đã phù hợp chưa…” là những vấn đề quan tâm cần xin ý kiến các chuyên gia.
Góp ý vào công tác bầu cử, ông Đỗ Duy Thường - Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật cho rằng, cần đạt được ít nhất 35% người được giới thiệu ra ứng cử là phụ nữ nhằm đảm bảo tỷ lệ trúng cử đại biểu Quốc hội cao hơn hiện nay.
Các đại biểu dự hội thảo
Bên cạnh đó, việc bảo đảm để các cấp Hội tham gia vào các tổ phụ trách bầu cử là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có tổ và khu dân cư bầu cử đề cập đến thành phần chính trị xã hội (có vai trò của Hội Phụ nữ), do đó cần phải có chủ trương đảm bảo sự tham gia của Hội ở các cấp tỉnh, huyện, thị xã trong công tác bầu cử, đảm bảo vấn đề bình đẳng giới. Cá nhân ông Cường đề xuất, dự kiến cơ cấu thành phần, số lượng người được bầu và được ra ứng cử nên ít nhất là 40% trở lên thay vì 35% như hiện nay để có thể sàng lọc, lựa chọn nhân lực có chuyên môn, nghiệp vụ cao; đồng thời cần tập trung triển khai kế hoạch tập huấn kỹ năng bầu cử cho nữ ứng cử viên cho đợt bầu cử sắp tới.
Bà Vương Thị Hanh - Nguyên Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam tập trung góp ý vào Nghị quyết hướng dẫn quy trình hiệp thương và đồng tình khi cho rằng cần đẩy mạnh vấn đề bình đẳng giới trong công tác bầu cử. Bà Hanh đánh giá các bước hiệp thương lần thứ nhất vô cùng quan trọng: “Trên cơ sở dự kiến đó, các cơ quan, đơn vị tổ chức về giới thiệu ứng cử cho đơn vị mình và sau đó lấy ý kiến của những cử tri ở trong đơn vị ứng cử. Nếu giới thiệu đúng người tài và nhiều người tài là phụ nữ thì mình “thắng”. Sau khi việc giới thiệu đúng rồi thì các bước lấy ý kiến cử tri sẽ đơn giản hơn”. Theo bà Hanh, nữ đại biểu Quốc hội trẻ tuổi kinh nghiệm, tầm ảnh hưởng cao trong công tác chính trị còn hạn chế cũng là một khó khăn. Bên cạnh đó, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV có 38% nữ ứng cử tuy nhiên trúng cử chỉ có 26%, số nữ nghị sĩ Quốc hội Việt Nam cũng giảm dần. Phải xác định ai là người giới thiệu và giới thiệu như thế nào để bảo đảm người ứng cử đủ chất lượng cũng là vấn đề cần quan tâm, lưu ý.
Ông Đặng Đình Luyến - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết tên gọi của Nghị quyết số 1134/2016/UBTVQH13 đang cụ thể dẫn đến dài, nên gọn lại mà vẫn thể hiện được nội dung. Về chi tiết nội dung dự thảo, ông Luyến kiến nghị thay đổi, cân nhắc, bỏ những mục không cần thiết về thẩm quyền chủ trì và triệu tập hội nghị cử tri nơi công tác; tổ chức hội nghị cử tri nơi cư trú...
Đối với nghị quyết liên tịch hướng dẫn quy trình hiệp thương, ông Luyến nhấn mạnh đến hạn chế hoạt động cơ quan dân cử là chất lượng công việc của đại biểu chưa hiệu quả. Đồng tình với ông Đỗ Duy Thường, ông Luyến chỉ ra tỷ lệ nữ ứng cử là 35% nhưng cần phải phát huy vai trò của các tổ chức chính trị trong giám sát, kiểm tra ứng cử viên đã đúng đối tượng chưa và đã bảo đảm bảo về phẩm chất đạo đức, trình độ năng lực chưa, bởi có nhiều trường hợp ứng cử viên chưa đáp ứng đủ các điều kiện thì bắt buộc phải thay người khác. Một vấn đề không kém phần quan trọng là phân bổ các ứng cử viên về địa phương, đơn vị để ứng cử. Khi đã tiến cử về địa phương, tổ chức vận động bầu cử như thế nào lại là bước cần quan tâm để các ứng cử viên có thời gian, điều kiện vận động như nhau, bảo đảm khách quan, công bằng.
Bà Lê Thị Ngân Giang – Chuyên gia chính sách luật pháp lưu ý về vấn đề số lượng cử tri tham dự hội nghị, cân nhắc lại, thay đổi từ số lượng thành tỷ lệ cử tri được mời của một cơ quan, tổ chức, đơn vị ít nhất 50% để đảm bảo sự công bằng. Về vấn đề giới, “ở những nơi có tỷ lệ nam nữ bằng hoặc gần bằng nhau thì tỷ lệ cử tri tham dự phải tương ứng trừ đơn vị đặc thù để bảo đảm sự hài hòa” – bà chia sẻ thêm.
Ghi nhận các ý kiến đóng góp quý báu từ các đại biểu, chuyên gia, Phó Chủ tịch Bùi Thị Hòa nhấn mạnh, tham gia bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND nhiệm kỳ 2021-2026 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội LHPN Việt Nam và được triển khai từ sớm. Hội đã có danh sách gần 400 ứng cử viên ở các địa phương, các lĩnh vực. Theo bà, việc thực hiện đầy đủ nhất tinh thần Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị cũng là một nhiệm vụ trọng tâm, nhằm chọn ra được những phụ nữ đạt tiêu chuẩn. Ngoài ra, Hội sẽ tuyên truyền sâu rộng tới các cấp Hội và cán bộ, hội viên, phụ nữ để phụ nữ hiểu được trách nhiệm của mình khi tham gia vào cuộc bầu cử sắp tới, làm tốt công tác giám sát các cấp ngay từ đầu, lựa chọn giới thiệu ứng cử viên nữ đảm bảo chất lượng với sự tín nhiệm cao nhất.