Luật Bình đẳng giới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2007, bao gồm 6 chương và 44 điều. Mục tiêu của bình đẳng giới là xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực; tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội và gia đình.
Xác định tầm quan trọng của mục tiêu này trong 10 năm qua, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác bình đẳng giới, chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai tốt Luật Bình đẳng giới; theo đó các địa phương trong tỉnh đã coi đây là nhiệm vụ thường xuyên và quan tâm triển khai thực hiện. Đặc biệt, các cấp Hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) trong tỉnh luôn quan tâm triển khai thực hiện nhiều hoạt động thiết thực nhằm hướng đến mục tiêu bình đẳng giới. Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Hội LHPN tỉnh - Nguyễn Thị Kim Hương, cho biết “ Chúng tôi rất phấn khởi khi Luật Bình đẳng giới ra đời. Đây là công cụ giúp tổ chức Hội thực hiện tốt chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ, nhất là tham gia xây dựng Đảng, tham gia quản lý Nhà nước, vận động toàn xã hội thực hiện bình đẳng giới”. Theo đó, để thực hiện đạt mục tiêu về bình đẳng giới, trong 10 năm qua, các cấp Hội LHPN đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, với hàng ngàn cuộc về các nội dung liên quan đến Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Hôn nhân gia đình; Nghị quyết số 11- NQ/TW, ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị ( Khóa X) về “ Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và các chính sách xã hội có liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái…
Bên cạnh những hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, các cấp Hội LHPN còn tổ chức những buổi đối thoại “Quyền Phụ nữ và trẻ em với chính quyền địa phương”. Qua đó, góp phần giúp chị em phụ nữ hiểu rõ hơn những quyền mình được hưởng cũng như ý thức trách nhiệm và bổn phận mình phải thực hiện; đặc biệt, cấp ủy và chính quyền các cấp ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình, quan tâm nhiều hơn đến cuộc sống, tâm tư, nguyện vọng của phụ nữ và trẻ em.
Cũng trong 10 năm qua, các cấp Hội đã xây dựng 4 câu lạc bộ (CLB) “Bình đẳng giới” với 80 thành viên tham gia, 28 CLB “ Phụ nữ với pháp luật” với gần 600 thành viên, góp phần đẩy mạnh việc tuyên truyền kiến thức phòng, chống bạo lực gia đình; chống mua bán người; các chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan đến tổ chức Hội LHPN, đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới…Đặc biệt, các đơn vị cơ sở còn thành lập 6 CLB “Nam giới không bạo hành” thuộc 6 xã của huyện Châu Thành và Thị xã Vĩnh Châu với 133 thành viên và 15 CLB “ Niềm vui nhân đôi, nỗi buồn chia hai” với 300 thành viên; trong đó, thành viên các CLB là lực lượng nòng cốt gồm cán bộ và những người gương mẫu ở cơ sở. Quá trình hoạt động, thành viên các CLB đã góp phần cùng địa phương giải quyết kịp thời nhiều vụ việc bạo hành trên địa bàn; khuyến khích, động viên các gia đình trong xóm, ấp thường xuyên trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Có thể thấy điều này tại CLB “ Niềm vui nhân đôi, nỗi buồn chia hai” của Ấp An Đức, Thị trấn Đại Ngãi (Long Phú). Trước đây, tình hình tệ nạn xã hội trên địa bàn thị trấn thường diễn biến phức tạp, nhất là nạn môi giới lấy chồng người nước ngoài khá phổ biến, tình trạng bạo lực gia đình xảy ra thường xuyên. Để hạn chế thực trạng này, Hội LHPN Thị trấn Đại Ngãi đã vận động thành lập CLB “ Niềm vui nhân đôi, nỗi buồn chia hai” trong đó cơ cấu thành phần cán bộ ngành Công an, Tư pháp vào Ban chủ nhiệm. Chủ nhiệm CLB Lâm Hoài Thanh, chia sẻ “ Nhằm giúp chị em từng bước nhận thức đúng, thay đổi hành vi trong ứng xử, Ban chủ nhiệm thực hiện phương châm “mưa dầm thấm lâu”, tích cực tác động, tuyên truyền, giải thích những vấn đề có liên quan đến kiến thức giới, luật pháp về bình đẳng giới…Qua đó, đã làm thay đổi đáng kể nhận thức và hành vi của người dân trong cuộc sống, hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân, gia đình, về bình đẳng giới. Cũng theo anh Lâm Hoài Thanh, nhiều chị em lúc đầu đến với CLB còn bỡ ngỡ, rụt rè, nhưng sau một thời gian tham gia hầu hết đều trở nên tự tin, mạnh dạn hơn, chủ động ứng xử hợp lý trong một số tình huống; sẵn sàng chia sẻ những chuyện khúc mắc trong gia đình, chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế để cùng phấn đấu vươn lên…
Có thể nói, từ việc nỗ lực thực hiện bình đẳng giới đã tác động tích cực đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chất lượng cuộc sống của nhiều cá nhân, gia đình tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc thực hiện Luật Bình đẳng giới trong 10 năm qua vẫn còn một số hạn chế, tồn tại.
Thứ nhất, việc tuyên truyền luật này chưa được quan tâm triệt để, một số ngành còn coi đây là việc của Hội LHPN nên từng lúc, từng nơi Luật Bình đẳng giới chưa thật sự đi vào cuộc sống.
Thứ hai, định kiến về giới, bất bình đẳng giới tuy có giảm nhưng vẫn chưa triệt để trong một bộ phận nam giới; trong khi đó, nhiều chị em phụ nữ còn tự ti, mặc cảm, thiếu ý thức vươn lên trong cuộc sống. Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Hội LHPN tỉnh - Nguyễn Thị Kim Hương, nhận định “Phải nhìn nhận rằng, trình độ năng lực của một bộ phận cán bộ Hội còn hạn chế, việc cập nhật kiến thức pháp luật cũng như nâng cao kỹ năng truyền thông chưa thường xuyên nên việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa đạt theo yêu cầu; số lượng phụ nữ được tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý chưa nhiều”.
Để phát huy tốt hơn vấn đề giới, bên cạnh sự nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ, giải pháp cần thiết, lãnh đạo Hội LHPN tỉnh cũng kiến nghị các cấp chính quyền cần có kế hoạch triển khai sâu rộng trong cán bộ, công chức và Nhân dân về Luật Bình đẳng giới; phối hợp đồng bộ với các đoàn thể chính trị - xã hội để tạo nên sức mạnh tổng hợp trong công tác triển khai Luật Bình đẳng giới; đồng thời, đầu tư nguồn nhân lực và kinh phí cho hoạt động bình đẳng giới. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật Bình đẳng giới trong hệ thống trường học; các phương tiện truyền thông; tập trung tuyên truyền cho những đối tượng có ảnh hưởng lớn tới công tác này như các cấp lãnh đạo, nhà giáo, nhà báo…nhằm thực hiện đạt hiệu quả cao hơn nữa mục tiêu bình đẳng giới.