Chị Thạch Thị Oành Thu sinh ra và lớn lên tại xã Tân Hưng, huyện Long Phú trong một gia đình nông dân có mức sống trung bình nên không đủ điều kiện để ăn học đến nơi đến chốn, nên phải cùng gia đình chăn nuôi, trồng trọt để sinh sống.
Năm 2002 chị lập gia đình, chồng chị cũng là nông dân nên cứ thế mà chị gắn bó với nghề nông trong một thời gian dài, mỗi lần thu hoạch vụ mùa với số tiền ít ỏi không đủ chi phí cho sinh hoạt gia đình, nhất là khi các con lần lượt chào đời thì cuộc sống càng gặp nhiều khó khăn hơn.
Đến năm 2005 chị tự nguyện tham gia vào Hội liên hiệp phụ nữ xã Trương Khánh, với cá tính nhanh nhẹn, chịu khó, nhiệt tình với hoạt động Hội, sau một thời gian chị được chị em bầu làm Chi hội trưởng ấp Trường Thành A, xã Trường Khánh. Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng lúc nào chị cũng cố gắng hoàn thành việc nhà, việc Hội để không phụ lòng chị em đã tin tưởng mình.
Để phát triển kinh tế gia đình chị đã từng làm rất nhiều việc, từ chăn nuôi heo, gà, vịt, làm ruộng và đặt rượu, công việc rất cực nhọc nhưng thu nhập bấp bênh. Chị bàn với chồng phải buôn bán thêm mới mong có thêm đồng ra, đồng vào, do đó chị đã mạnh dạng đề xuất với Hội LHPN xã để được xét vay tín chấp từ nguồn vốn Quỹ sinh kế do Hội LHPN tỉnh quản lý với tiền 20 triệu đồng và chị đã bắt đầu công việc kinh doanh là mở quán cà phê giải khát tại nhà và điểm tâm sáng với món bún nước lèo, cháo lòng…. Do khéo pha chế cà phê ngon, nấu ăn hợp khẩu vị và giá cả phải chăng nên quán của chị lúc nào cũng đông khách. Mặt khác, nhà chị cũng được các chị chọn làm địa điểm họp hàng tháng nên chị vừa điều hành cuộc họp vừa kết hợp phục vụ nước uống cho các thành viên tham dự. Với việc làm thêm này, hàng tháng, sau khi trừ hết chi phí chị còn lời khoảng 3 triệu đồng. Qua thời gian hơn sáu tháng kinh doanh, hiện tại chị đã trả dần hết vốn vay đúng quy định. Thấy làm ăn có hiệu quả hướng tới chị quyết định duy trì mô hình này để phát triển kinh tế gia đình tăng thu nhập cho gia đình.
Chị Thạch Thị Oành Thu - Cán bộ Hội làm kinh tế giỏi
Chị phấn khởi tâm sự: “Lúc trước khổ quá tôi muốn buông xuôi việc Hội luôn rồi để lo làm ăn với người ta, vả lại mình nghèo sao tuyên truyền, vận động người khác, còn bây giờ khỏe nhiều rồi, các con cũng lớn hết rồi nên cũng yên tâm tham gia hoạt động Hội hơn”.
Sự kiên trì, siêng năng, chịu khó đã giúp chị Oành Thu thoát khỏi cuộc sống thiếu thốn, nợ nần, thật đúng với câu “Trên bước đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”.