Hậu quả do các tội phạm bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em gây ra hết sức nghiêm trọng, nạn nhân không chỉ bị gây đau đớn, thương tật về thể xác mà tinh thần cũng bị tổn hại nặng nề. Trẻ em sau khi bị xâm hại tình dục đều trở nên không bình thường, luôn mặc cảm, lo sợ, nghi ngờ, xa lánh tất cả mọi người, kể cả người thân trong thời gian dài. Ngoài ra, các em còn có nguy cơ bị lây lan các bệnh truyền nhiễm, HIV/AIDS, mang thai, tâm thần thậm chí phải nghỉ học.
Từ những hệ lụy đó, cán bộ, hội viên Phụ nữ Công an tỉnh với vai trò, nhiệm vụ của mình đã phối hợp các đơn vị chức năng, ban, nghành, đoàn thể, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh.
Cán bộ, hội viên phụ nữ, lực lượng Công an tỉnh đã được quán triệt, thực hiện Kế hoạch số 262/KH-BCA-C02 ngày 17/7/2019 của Bộ Công an về thực hiện Chương trình phối hợp số 11/CTPH-TWHLHPN-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 26/02/2019 giữa Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao trong công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em; Quyết định số 1863/QĐ-TTg ngày 23/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 - 2025; tập trung tham mưu, phối hợp thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em…
Hội viên phụ nữ đã kết hợp với các đơn vị chức năng tổ chức nhiều đợt tuyên truyền tại các xã, phường trọng điểm có đông người lao động, vùng kinh tế khó khăn, với nhiều chuyên đề, trong đó có các nội dung như: Tuyên truyền các thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, các nguyên nhân dẫn đến vấn nạn xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình, mua bán người; tuyên truyền người dân không nên tiếp xúc với các văn hóa phẩm không chính thống, phim ảnh bạo lực, khiêu dâm sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý, thúc đẩy quá trình lệch lạc nhân cách, nảy sinh ý định và hành động xâm hại phụ nữ, trẻ em; thường xuyên uống rượu, bia và các chất kích thích cũng là điều kiện để phát sinh tội phạm.
Nhắc nhở phụ huynh nên kiểm soát việc sử dụng điện thoại thông minh của trẻ, các đối tượng thường lợi dụng mạng xã hội để kết bạn, làm quen với trẻ để nhắn tin, gửi những hình ảnh nhạy cảm, đồi trụy cho trẻ để dụ dỗ trẻ và xâm hại. Đồng thời cần hạn chế tối đa việc tạo ra những tình huống có thể đẩy con mình vào thế bị xâm hại như cho người lạ đến thuê nhà, đến chơi, ngủ qua đêm hoặc cho con cái tiếp xúc với người từ nơi khác đến mà mình không thể kiểm soát được. Kịp thời cộng tác với cơ quan chức năng, tố giác các hành vi bạo lực gia đình, xâm phạm trẻ em.
Tổ chức các buổi đối thoại, diễn đàn, lắng nghe tiếng nói của các em để nắm và giải thích rõ những vấn đề các em còn vướng mắc, chưa hiểu về luật pháp, các quy định về quyền và nghĩa vụ của trẻ em, những vấn đề nhạy cảm mà các em đã từng nghe, từng thấy nhằm giúp các em định hình phát triển tâm sinh lý dựa trên nền tảng đạo đức, tri thức và nghị lực sống.
Lồng ghép đưa ra những tình huống, đố vui pháp luật để các em suy nghĩ, thảo luận và ghi nhớ lâu hơn về các kỹ năng tự bảo vệ mình. Tổ chức nói chuyện chuyên đề “Nâng cao kiến thức phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em” cho con em CBCS trong đơn vị. Thường xuyên tuyên truyền bạo lực gia đình không phải là chuyện riêng tư của từng gia đình mà đó là vấn nạn bức xúc của xã hội.
Qua buổi tuyên truyền, nhằm giúp các em học sinh có kiến thức cơ bản về phòng, chống bạo lực học đường, hướng dẫn các em biết cách xử lý khi gặp các trường hợp bạo lực, xâm hại./.