Hiệu quả công tác phối hợp giữa Ngân hàng Chính sách xã hội với Hội LHPN trong công tác nâng cao chất lượng tín dụng
Hoạt động tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thời gian qua đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế- xã hội, ổn định an ninh chính trị tại địa phương.
Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc cho các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở là nhằm công khai hóa, xã hội hóa hoạt động tín dụng chính sách, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của tổ chức hội, đoàn thể, đồng thời, củng cố hoạt động của tổ chức hội, đoàn thể ở cơ sở. Việc bình xét hộ vay vốn công khai, dân chủ, đảm bảo đưa vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng. Mặt khác, việc ủy thác giúp đối tượng thụ hưởng tiếp cận dễ dàng, hiệu quả với dịch vụ tài chính, tiết kiệm của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Đến ngày 31/5/2021 dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội: 3.826.319 triệu đồng, chiếm 99,9%/tổng dư nợ, có 150.175 khách hàng còn dư nợ, thuộc 3.190 Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV). Trong đó: Hội Phụ nữ quản lý 1.082.342 triệu đồng (chiếm 28,29%/tổng dư nợ ủy thác), với 42.884 khách hàng, thuộc 908 Tổ TK&VV.
Trong những năm qua, cùng với các tổ chức chính trị- xã hội, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) các cấp trong tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp cùng NHCSXH tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt Chỉ thị số 40- CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách khác đến các tầng lớp nhân dân, từ đó cộng đồng người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện tiếp cận với tín dụng chính sách một các thuận lợi, dễ dàng. Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện đúng theo Văn bản liên tịch và Hợp đồng ủy thác đã ký kết; cấp Hội tỉnh thường xuyên chỉ đạo Hội cấp huyện, xã xây dựng kế hoạch kiểm tra việc thực hiện ủy thác của Hội cấp dưới và Tổ TK&VV do Hội quản lý, nhất là nâng cao chất lượng công tác kiểm tra việc sử dụng vốn sau khi cho vay nhằm đảm bảo vốn vay được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, từ đó giúp hộ vay từng bước thoát nghèo bền vững.
Phối hợp triển khai có hiệu quả hoạt động tại 109 điểm giao dịch tại xã, từ đó đã làm tốt công khai, dân chủ, có sự giám sát của chính quyền địa phương trong việc triển khai, quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách. Đây được xem là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, vốn tín dụng đến tận tay người nghèo và các đối tượng chính sách khác, hạn chế tiêu cực phát sinh.
Hai ngành duy trì thường xuyên giao ban theo định kỳ 03 tháng/lần giữa NHCSXH tỉnh với Hội tỉnh; 02 tháng/ lần đối với cấp huyện và 01 tháng/lần tại các Điểm giao dịch xã, cán bộ tín dụng cùng Hội cấp xã tập trung bàn bạc các giải pháp xử lý nợ đến hạn, nợ quá hạn, thu lãi tồn đọng, xử lý nợ rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng.
Chi nhánh cùng Hội các cấp trong tỉnh xác định mấu chốt trong hoạt động ủy thác đó chính là chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV, để nâng cao chất lượng ủy thác phải thực hiện từ nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV. Do đó, thường xuyên chỉ đạo cấp cơ sở thực nghiêm túc quy trình thành lập, củng cố Tổ TK&VV, duy trì mô hình Tổ TK&VV theo cụm dân cư liền kề, lựa chọn Tổ trưởng có năng lực, nhiệt tình và uy tín; thường xuyên đào tạo, tập huấn để nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV.
Từ các giải pháp nêu trên, trong giai đoạn (2016- 2020), từ 161 tổ tiết kiệm và vay vốn, xếp loại yếu kém đã giảm còn 9 tổ; tỷ lệ nợ quá hạn từ 3,6% giảm còn 0,87%, góp phần nâng chất lượng tín dụng ủy thác giữa Ngân hàng chính sách xã hội với Hội LHPN các cấp tỉnh Sóc Trăng trong thời gian qua/..